Cùng tìm hiểu những điều bổ ích về nội trợ nhé các teen girl!
Bạn biết gì về mì chính?
Mì chính có tên hóa học là natri glutamat, một chất có vai trò quan trọng trong truyền tín hiệu thần kinh. Khi bị đau đầu, chỉ cần dùng một chút muối của acid glutamic thì sẽ có cảm giác giảm đau do tác dụng ức chế thần kinh của chất này.
Mì chính là muối của acid glutamic, một trong 20 acid amin cần thiết cho sự tăng trưởng, chuyển hóa thần kinh và chức năng của não người. Mì chính có dạng tinh thể trắng, không màu hoặc dạng bột kết tinh, hình thoi lăng kính. Nó là một phụ gia giúp điều vị, cho thực phẩm ngon và hấp dẫn hơn. Việc sử dụng mì chính trong chế biến có ưu điểm là không làm ảnh hưởng tới mùi, màu sắc và vị mặn của món ăn.
Mì chính có sẵn trong các sản phẩm tự nhiên (được gọi là acid glutamic tự do) như thịt, cá, sữa và các loại rau quả (cà chua, đậu, ngô, cà rốt…).
Tuy vậy, trong mọi gia đình, mì chính lại như là “thiên thần” giúp món ăn ngon hơn, hấp dẫn hơn.
Và sự thật là…
Lâu nay chúng ta vẫn nghe về tác hại của mì chính – loại gia vị không thể thiếu được trong các món ngon, rất dễ bị đốt cháy và biến thành chất gây hại nếu chúng ta không biết cách sử dụng đúng lúc. Vì thế có nhiều lời khuyên đối với loại gia vị này: hãy sử dụng chúng sau khi đã nấu chín các món ăn, tốt nhất là nên nêm mì chính vào các món ăn sau khi thức ăn đã được lấy ra khỏi nồi (tức là loại bỏ khỏi môi trường nước sôi). Hoặc thậm chí, có người còn đề xuất không dùng mì chính khi nấu ăn! Điều này có đúng?
Các nghiên cứu khoa học gần đây đã chỉ ra sự thật mà không phải ai cũng thực sự biết được đó là, mì chính chỉ bị “biến chất” trong môi trường nhiệt độ trên 300 độ C và bị đốt cháy liên tục trong vòng 2h đồng hồ. (Bật mí các bạn, trong khoảng thời gian dài và nhiệt độ cao như vậy, các thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm như: protein (chất đạm), đường… cũng bị cháy và trở nên không tốt cho sức khỏe nữa đấy!).
Bên cạnh đó, trong quá trình chế biến món ăn thông thường, các món ăn có thành phần khác nhau thì nhiệt độ sôi của món ăn cũng khác nhau. Ví dụ như các món dùng nhiều nước (canh, luộc, hầm…), nhiệt độ sôi của món ăn xấp xỉ nhiệt độ sôi của nước là khoảng 100 độ C; các món chiên, rán có nhiệt độ sôi từ 115 đến 130 độ C, mỡ lợn có nhiệt độ sôi từ 150 đến 160 độ C, dầu thực vật có nhiệt độ sôi từ 170 đến 200 độ C và tối đa là khoảng 260 độ C. Như vậy, trong chế biến món ăn thông thường, nhiệt độ cao nhất thường không vượt quá 260 độ C. Nhiệt độ này chưa đạt đến mức có thể làm biến đổi mì chính.
Như thế, mì chính không bị biến đổi thành chất không tốt cho sức khỏe khi sử dụng ở điều kiện và nhiệt độ nấu ăn thông thường đâu các bạn nhé!
Nguồn: kenh14
=============================== .